Trong thế kỷ 21, khái niệm "sống khỏe" đã vượt xa ra ngoài phạm vi thể chất để bao trùm cả khía cạnh tinh thần và cảm xúc. Kiến trúc, trong tương quan này, không chỉ còn là nghệ thuật tạo hình không gian mà trở thành một tác nhân sinh học và tâm lý quan trọng. Nhiều khái niệm mới ra đời như: Kiến trúc hạnh phúc, Kiến trúc chữa lành, Neuro-Architecture - hay kiến trúc thần kinh học, … đều hướng đến khám phá cách thức môi trường xây dựng ảnh hưởng đến não bộ, hormone, hành vi và trạng thái cảm xúc của con người.
Từ góc nhìn sinh học, bộ não con người phản ứng mạnh mẽ với các kích thích không gian. Những vùng như Parahippocampal Place Area (PPA) - phụ trách nhận diện và định hướng không gian, và Anterior Cingulate Cortex (ACC) - liên quan đến cảm xúc, chú ý và xung đột nội tâm, được kích hoạt khác nhau tùy theo đặc điểm thiết kế kiến trúc mà cá nhân trải nghiệm. Những không gian thông thoáng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu hữu cơ thường tạo cảm giác dễ chịu và giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, nhờ đó làm dịu nhịp tim, giảm hormone cortisol - liên quan đến stress, và tăng tiết serotonin - hormone gắn với hạnh phúc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng, đặc biệt là ánh sáng xanh sẽ giúp đồng bộ hóa đồng hồ sinh học (circadian rhythm), giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, năng lượng ban ngày và sự ổn định cảm xúc. Âm thanh cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ, âm thanh thiên nhiên, tiếng nước, tiếng chim, tiếng gió – được chứng minh là làm giảm hoạt động của amygdala - trung tâm xử lý căng thẳng, và tăng kết nối với vỏ não trước trán, giúp làm dịu hệ thần kinh và tăng cảm giác an toàn. Về vật liệu, các nghiên cứu về cảm nhận vật chất (material perception) cho thấy gỗ, tre, đất, đá và các chất liệu thô mộc có tác động tích cực lên não bộ thông qua cơ chế phản hồi cảm xúc có tính sinh học hay embodied cognition. Hệ thần kinh phản ứng tích cực với cảm giác thân quen, hữu cơ, từ đó khơi gợi cảm giác an toàn và kết nối tự nhiên.
Phineas Gage, nhà sinh học thần kinh nổi tiếng cho rằng, việc thay đổi môi trường là thay đổi não bộ, và vì thế, là thay đổi hành vi, như vậy, kiến trúc không chỉ tạo điều kiện sống mà còn lập trình cho cảm xúc và trạng thái tinh thần của con người. Dựa trên những hiểu biết trên, triết lý Kiến trúc Tối giản Xanh do I.HOUSE phát triển nhấn mạnh sự hòa quyện giữa môi trường sống và sức khỏe tinh thần. Bằng cách tiếp cận này, kiến trúc phải giúp con người tìm lại nhịp sống tự nhiên, kết nối nội tâm và giảm áp lực của thế giới hiện đại. Như vậy, kiến trúc không còn chỉ là khách thể bên ngoài mà là phần mở rộng của chủ thể cảm nhận - con người.
Nhập email của bạn để có tin tức và dự án mới nhất được gửi đến cho bạn.